Chúng ta thấy cha mẹ than phiền vì một số hành vi hàng ngày và cho rằng chúng ta đang có lối sống chưa lành mạnh, chúng ta thấy các ngôi sao quảng bá cho một số "lối sống mới", chúng ta đọc các blog về lối sống. Song trước khi đi tìm hiểu và phân định các loại lối sống, từ đó chuẩn bị cho kế hoạch thực sự làm sắc nét lối sống của bản thân mình, hãy quay về với những hiểu biết cơ bản.
Lifestyle là gì?
"Lifestyle" là một thuật ngữ lần đầu được giới thiệu vào năm 1929 bởi nhà tâm lý học người Áo tên Alfred Adler trong cuốn sách của The Case of Miss R. Khi đó thuật ngữ này được hiểu là "tính cách cơ bản của một cá nhân được hình thành từ những năm tháng ấu thơ". Đến năm 1961, thuật ngữ này được mở rộng như là một cách sống hay một phong cách sống.
Lifestyle là sự kết hợp của cả các yếu tố vô hình (tâm lý, giá trị cá nhân, sở thích, tinh thần) và hữu hình (như là các yếu tố thuộc về nhân khẩu học, ngoại hình, hành vi vật lý...). Nó cũng phản ánh hình ảnh cá nhân của từng người, cách mà một người nhìn nhận chính mình hoặc cách mà một người tin rằng họ đang được nhìn nhận như vậy.
Lifestyle là tổng hợp của cả các động lực, nhu cầu và mong muốn của mỗi cá nhân. Và các yếu tố như văn hóa, điều kiện giáo dục, gia đình, các cộng đồng, tầng lớp xã hội xung quanh một cá nhân... trực tiếp ảnh hưởng đến lifestyle của cá nhân đó.
Một lối sống cụ thể thường phản ánh thái độ, cách sống, giá trị hoặc thế giới quan của một cá nhân. Việc có một lộ trình định hình phong cách sống cũng có thể hiểu như một cách rèn giũa cho mỗi người ý thức về bản thân mình, một cách tạo ra các biểu tượng về văn hóa thể hiện bản sắc cá nhân.
Không phải tất cả mọi biểu hiện của lối sống cá nhân đều do con người chủ động hình thành, xã hội và hệ thống giá trị xung quanh một người có thể khiến cho người đó gặp hạn chế khi chọn phong cách sống mà người đó yêu thích hoặc muốn theo đuổi.
Ví dụ: Bạn theo đuổi “green lifestyle - lối sống xanh” có nghĩa là bạn giữ niềm tin và ra quyết định lựa chọn những hoạt động mà tiêu thụ ít tài nguyên hơn, tạo ra ít chất thải độc hại hơn (dấu chân sinh thái nhỏ hơn) và bạn có được ý thức về bản thân từ những chuyện đó.
Vài nhà bình luận cho rằng trong thời hiện đại “hành vi tiêu dùng” là nền tảng của việc hình thành lên lifestyle. Cách họ tìm kiếm thông tin, lựa chọn sản phẩm, mua sắm các sản phẩm dịch vụ khác nhau sẽ hình thành lên những cách sống khác nhau.
Cách tiếp cận và phân loại lifestyle
Những nghiên cứu đầu tiên về lifestyle tập trung vào phân tích địa vị của các cá nhân trong xã hội. Thorstein Veblen đã đưa ra khái niệm “sự cạnh tranh” và khẳng định rằng các giai cấp khác nhau trong xã hội có “schemes of life - phương án sống” khác nhau, và cụ thể là các phương án tiêu dùng. Mong muốn “cạnh tranh” thì được xác định là thuộc về những người ở tầng lớp trên trong xã hội.
Max Weber coi lifestyle là những yếu tố đặc thù gắn chặt với sự công nhận uy tín. Lối sống là biểu hiện rõ ràng nhất của sự khác biệt ã hội, ngay cả trong cùng một tầng lớp xã hội, nó cho thấy uy tín mà các cá nhân tin rằng họ muốn hay thậm chí khao khát có được.
Georg Simmel đã thực hiện phân tích một cách chính thống, cả chiều dọc lẫn chiều ngang về lifestyles, trọng tâm là các quy trình của việc cá nhân hóa, nhận diện bản thân, phân biệt, công nhận, thấu hiểu cả về lifestyle và quá trình tạo ra lifestyle.
Pierre Bourdieu đã đổi mới cách tiếp cận này trong một mô hình phức tạp hơn, ở đó, lifestyle được tạo ra từ thực tiễn xã hội, gắn chặt với thị hiếu cá nhân, các thói quen, các kết nối của cá nhân đó với thế giới.
Sau đó, hai hướng nghiên cứu phổ biến là
Xem Lifestyle như cách suy nghĩ với niềm tin rằng có thể xem xét lịch sử giao tiếp của một người và đánh giá được lối sóng của họ;
Xem Lifestyle như cách hành động với hướng nghiên cứu tập trung vào hành vi tiêu dùng, cách thức quản lý thời gian, các quyết định hành động của mỗi cá nhân
Cũng có một hướng nghiên cứu và phân định ra hai loại: sống lành mạnh (healthy lifestyle) và sống không lành mạnh (unhealthy lifestyle).
Commentaires