3 giây là khoảng thời gian trung bình mà nhà báo dùng để lướt một thông cáo báo chí mới nhận được và cũng chỉ chừng ấy thời gian để họ đánh giá một thông cáo báo chí có dễ hiểu hay không. Viết trọng tâm, dễ hiểu, tường minh là một tiêu chí quan trọng đối với người PR. Mô hình Tháp đảo ngược, còn được biết đến với bản dịch “Tam giác ngược” (Inverted Pyramid) dưới đây sẽ là kim chỉ nam hữu hiệu giúp người làm truyền thông triển khai một bài viết truyền tải nội dung một cách đầy đủ và dễ hiểu nhất tới độc giả. Mô hình Tháp đảo ngược (Inverted Pyramid) là gì?
Mô hình Tháp đảo ngược (Inverted Pyramid) là mô hình chỉ dẫn viết tin tức cơ bản trong truyền thông. Theo đó, những thông tin trọng yếu và cơ bản nhất luôn được thể hiện ngay trong phần đầu của bài viết. Đây là điều khác biệt so với phong cách viết học thuật mang tính diễn giải cao mà hầu hết sinh viên thường thực hành trong các bài luận hay các kỳ kiểm tra trong trường đại học. Trong thời kỳ bùng nổ thông tin hiện nay, thời gian độc giả dành cho một bài viết thường chỉ tính bằng giây bằng phút. Những người làm truyền thông cần sẵn sàng cắt bỏ những thông tin ngoại lai, thừa thãi. Vì vậy, đưa ra thông tin cần thiết ngay từ những dòng đầu theo mô hình Tháp đảo ngược sẽ đảm bảo nội dung chính của tin tức mà PR cần cánh báo giới biết được truyền tải đầy đủ. Một thông cáo báo chí tuân thủ mô hình Tháp đảo ngược sẽ có tính chỉ dẫn cao, phóng viên biên tập viên khi đọc TCBC có thể dễ dàng hiểu rằng những thông tin quan trọng nhất nằm ở phần trên của thông cáo, và khi họ cần cắt ngắn, họ chỉ cắt bớt các thông tin nền phía sau. Một người PR nắm vững lý thuyết này sẽ biết cách bố trí thông tin quan trọng và mới mẻ với cánh phóng viên lên đầu tiên, gia tăng khả năng được chú ý cho TCBC của mình.
Lợi ích của mô hình Tháp đảo ngược (Inverted Pyramid) Trong thời đại Internet và sự ra đời của các loại hình truyền thông tin giới hạn rất ít số kí tự như là notification từ các app tin tức, status Twitter hay các tin nhắn SMS, áp dụng lối viết theo mô hình Tháp đảo ngược là rất phù hợp. Những tus nhỏ như vậy thường giới hạn khoảng 90-140 từ. Vì vậy, làm rõ những thông tin chính yếu ngay từ phần mở đầu là điều cần thiết. Mô hình Tháp đảo ngược cũng rất hữu dụng trong phần mềm đọc tin tức RSS (Really Simple Syndication: Dịch vụ cung cấp tin tức đơn giản). Phần mềm này chỉ hiện thị một vài dòng tin nổi bật gồm tiêu đề, phần tóm tắt. Cấu trúc bài viết theo mô hình này giúp độc giả chỉ đọc lướt cũng có thể nắm bắt được thông tin chính yếu. Đối với những cá nhân mới bắt đầu viết, mô hình này sẽ là kim chỉ nam trong việc định hướng, tổng hợp thông tin từ những nguồn khác nhau. Đặc biệt với những người làm PR cho các doanh nghiệp, mô hình Tháp đảo ngược giúp cấu trúc bài viết dễ hiểu và dễ tiếp cận khách hàng tiềm năng hơn. Các bước triển khai một thông cáo báo chí theo mô hình Tháp đảo ngược (Inverted Pyramid) Đoạn mở đầu cần đưa ra thông tin trọng tâm và chính yếu. Đây có thể coi là phân đoạn quyết định thành bại của bài viết. Đừng quên đưa những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất vào tiêu đề. Hãy áp dụng mô hình 5W 1H cho phần này:
What: nội dung chính viết về điều gì
Who: tin trong thông cáo báo chí nói về ai hay đối tượng nào
Where: điều đó xảy ra ở đâu
When: điều đó xảy ra lúc nào
Why: tại sao lại xảy ra
How: điều đó xảy ra như thế nào
Những đoạn tiếp theo đưa ra những thông tin bổ sung, làm rõ mỗi W cho thông tin trong phần mở đầu Tiếp đó hãy đưa ra một câu trích dẫn từ một báo cáo hay một bài nghiên cứu giúp tăng sự tin cậy cho Thông cáo. Ở đây, PR cũng có thể đưa ra những dẫn chứng, chi tiết, ví dụ làm rõ câu trích dẫn. Có thể đưa ra một câu trích dẫn thứ hai. Câu trích dẫn này cần đi sâu hơn vào chủ đề của bài viết hoặc đưa ra nhận xét đánh giá cho câu trích dẫn. Tùy thuộc vào giới hạn bài viết cũng như phần nội dung bên trên, có thể bổ sung thêm các thông tin liên quan giúp phóng viên, biên tập viên, nhà báo có thể hiểu rõ hơn về bối cảnh thị trường xung quanh tin tức chính. Có thể dùng trích dẫn phát biểu của đại diện bên phát hành Thông cáo báo chí để thể hiện một trong số các ý quan trọng.
Comments