top of page
Writer's pictureKate Something

Career Planning Process – Quy trình Lập kế hoạch lựa chọn nghề nghiệp

Chọn một ngành nghề để theo đuổi là một cuộc vật lộn lớn đối với bất cứ ai. Nó lớn lao hơn việc chỉ ra quyết định xem bạn làm gì để kiếm sống. Bạn hãy thử dành một vài phút tập trung để nghĩ về lượng thời gian trong đời mà bạn sẽ dành cho công việc, bạn sẽ thấy việc chọn nghề nghiệp thực ra nghiêm trọng đến thế nào. Thực tế là chúng ta có thể dành tới 71% thời lượng sống trong một năm để làm việc. Trong suốt cuộc đời của mình, từ khi bạn bắt đầu sự nghiệp cho đến khi bạn nghỉ hưu, bạn có thể sẽ dành từ 31.5 năm rưỡi cho đến 45 năm để làm việc. Như bạn thấy đó, một phần đáng kể trong cuộc đời này bạn sẽ dành để làm việc. Vì vậy, quyết định chọn nghề gì để theo đuổi có khi cũng nghiêm trọng như chọn ai để kết hôn vậy nhỉ. Thế nhưng chọn người để yêu, chọn người để lấy ít ra chúng ta còn có tiêu chí, có chiến thuật. Chọn nghề để làm, bạn đã từng có lộ trình hay chưa? Dưới đây là một hướng dẫn với bốn giai đoạn cơ bản để bắt đầu: GIAI ĐOẠN 1: ĐÁNH GIÁ BẢN THÂN

Trong giai đoạn này, bạn sẽ cần sử dụng nhiều công cụ để tập hợp những thông tin về chính bản thân bạn. Bạn sẽ cần tìm hiểu sâu về chính mình ở các góc độ:

  • Sở thích của bạn: Đó là những điều mà bạn yêu thích, có hứng thú trong cuộc sống (Ví dụ như mình thích các giá trị tự nhiên, thích hoa lá cành :D)

  • Những giá trị liên quan đến nghề nghiệp: Những lý tưởng, niềm tin mà đối với bạn rất quan trọng, những điều sẽ chỉ dẫn hành động của bạn trong môi trường công việc. (Ví dụ như mình rất tin vào tính khoa học, môi trường minh bạch, sự chia sẻ, giao tiếp ngắn gọn hiệu quả).

  • Tính cách cá nhân: Đặc điểm xã hội của bạn, động lực của bạn, điểm mạnh và điểm yếu, thái độ của bạn, xu hướng hành xử của bạn trong các tình huống xã hội. Có nhiều bài test để tìm ra được tính cách cá nhân.

  • Năng khiếu: Một tài năng thiên bẩm hoặc một khả năng học được thông qua quá trình học tập và rèn luyện, thứ mà bạn thực sự tự tin. (Ví dụ khả năng make up, hát, vẽ…)

  • Môi trường làm việc ưa thích: Nơi làm việc bạn yêu thích. (Ví dụ như trong nhà, ngoài trời, văn phòng, nhà máy, nơi ồn ào, nơi yên tĩnh, nơi có nhiều đồng nghiệp hay nơi chỉ có riêng mình bạn)

  • Năng lực phát triển: Cũng có thể hiểu là hướng phát triển nhận thức của bạn. Loại hình đào tạo nào có thể tác động tích cực đến việc tiếp thu của bạn? Công việc được giao và quản lý theo hướng nào thì bạn có xu hướng hoàn thành tốt hơn?

  • Thực tế: Hoàn cảnh mà bạn được nuôi dạy, điều kiện giáo dục trong những năm phổ thông, điều kiện gia đình, các mối quan hệ xã hội xung quanh 15-20 năm đầu đời của bạn, cả những điều kiện trong tương lai nữa… chúng đều sẽ có ảnh hưởng đến quá trình đào tạo, hướng nghiệp, tìm kiếm việc làm của bạn.

Bạn sẽ xác định được một số nghề nghiệp bạn yêu thích sau khi đánh giá bản thân ở bước trên. Nhưng bạn sẽ cần thêm thông tin trước khi ra quyết định cuối cùng. Các giai đoạn sau đây sẽ giúp bạn củng cố. GIAI ĐOẠN 2: KHÁM PHÁ NGHỀ NGHIỆP

Giai đoạn này tập trung vào việc tìm hiểu sâu về các ngành nghề có vẻ phù hợp với bạn (dựa trên kết quả của giai đoạn Đánh giá bản thân ở trên). Bạn có thể tìm hiểu cả bất kỳ ngành nghề nào khác mà bạn quan tâm. Bạn cần phải:

  • Tìm hiểu về thị trường lao động của ngành nghề bạn đã định ra là phải tìm hiểu. Nắm được thị trường lao động của ngành đó có những khu vực như thế nào: Nhà nước, Tư nhân, Bán tư nhân, Nước ngoài, Liên doanh… Sự giống và khác nhau, thuận lợi và hạn chế của mỗi khu vực đó.

  • Tìm hiểu các vị trí công việc trong thị trường lao động của từng ngành nghề ấy. Ví dụ trong ngành giáo dục: Bạn có thể trở thành giáo viên (ở rất nhiều bộ môn khác nhau), nhà quản lý giáo dục, nhà tư vấn giáo dục, nhà truyền thông lĩnh vực giáo dục, nhà hoạch định chính sách giáo dục, người tư vấn học đường…

  • Tìm hiểu lộ trình nghề nghiệp (career path) của mỗi ngành, các vị trí trong ngành, mức lương trung bình, triển vọng công việc

  • In ra đọc, nghiên cứu mô tả công việc của một số vị trí trong ngành; nắm được các nhiệm vụ mà mỗi vị trí cần đảm nhiệm; yêu cầu về nguồn gốc đào tạo; số năm kinh nghiệm; các yêu cầu khác liên quan đến kỹ năng mềm, ngoại ngữ…

Sau khi hoàn thành những nghiên cứu sơ bộ trên, bạn có thể bắt đầu biết thêm chi tiết hơn về những ngành nghề đó và bạn cũng bắt đầu loại bỏ các ngành nghề không hấp dẫn nữa đối với mình. Đây là lúc:

  • Lập danh sách những đơn vị lớn nhất, uy tín nhất, có môi trường làm việc tốt nhất, có tỉ trọng doanh thu lớn nhất trong ngành (có nhiều bên thứ ba tạo ra các giải thưởng đánh giá những tiêu chí này). Hãy lên các trang tìm việc tên tuổi và mạng xã hội Linkedin, Facebook Fanpage và follow Trang thông tin nghề nghiệp của những đơn vị này, tiện thì tìm luôn một số nhà quản lý của họ và follow để học hỏi dần nhé.

  • Job Shadowing: Tìm đến các tiền bối, các Cố vấn nghề nghiệp để phỏng vấn, trao đổi và làm rõ thêm về những điều bạn đang băn khoăn. Xin phép đến thực tập, theo dõi công việc của họ và giúp việc đơn giản để học hỏi.

GIAI ĐOẠN 3: QUYẾT ĐỊNH NGHỀ NGHIỆP

Cuối cùng cũng đến bước kết nối những hiểu biết của bạn về thế giới nghề nghiệp, với việc đánh giá năng lực bản thân của bạn. Từ đây bạn có thể ra quyết định xem nghề nào là phù hợp nhất với bạn.


Xác định ra nghề nghiệp mà bạn yêu thích nhất và một đến hai lựa chọn thay thế (để bạn có thể quay đầu lại nếu vì một lý do nào đó bạn không thể theo đuổi lựa chọn đầu tiên của mình). Hãy suy nghĩ nghiêm túc về cách mà bạn sẽ chuẩn bị để bước vào nghề nghiệp đã chọn, các chi phí liên quan đến giáo dục sâu hơn, và xác định cả những rào cản bạn có thể gặp phải. Đó là những điều rất thực tế mà bạn cần phải thẳng thắn đối mặt. Liệu ngành nghề bạn chọn có phù hợp với cá tính nhút nhát? Hay liệu bạn có cần phải thay đổi bản thân để cải thiện những vấn đề nào trước khi bạn bước vào con đường chinh phục nghề nghiệp mơ ước? Quay trở lại giai đoạn hai nếu bạn cần tìm hiểu thêm kiến thức, hiểu biết về các ngành nghề trước khi đưa ra quyết định.


Theo quan sát của mình, bạn có thể mất đến 10 năm (trong tổng số khoảng 45 năm đi làm) để tìm ra được việc mình thực sự muốn làm, và chuẩn bị các nguồn lực để sẵn sàng thay đổi. Còn nếu làm sớm, bạn cũng sẽ phải dành vài năm học phổ thông để vừa học vừa nghiên cứu chọn nghề. Một khi bạn đã ra quyết định chọn một nghề nghiệp, bạn có thể tiếp tục giai đoạn bốn, giai đoạn sẽ dẫn bạn tới công việc đầu tiên trong sự nghiệp mới của bạn.


GIAI ĐOẠN 4 – HÀNH ĐỘNG

Ba giai đoạn trên bạn mới Chọn được ngành nghề chính (và khoảng vài ngành nghề thứ chính) mà bạn sẽ theo đuổi. Bây giờ là lúc bạn cần viết một bản kế hoạch chinh phục nghề nghiệp. Nó sẽ là kim chỉ nam, cũng đồng thời là một bản hướng dẫn để bạn đạt được mục tiêu quan trọng là bạn sẽ có được một nghề nghiệp như bạn mong muốn ở giai đoạn ba. Bạn cần xác định được những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn mà bạn sẽ phải hành động để đạt được (để có ngày trở thành một…).

  • Bắt đầu nghiên cứu và tìm hiểu về các chương trình giáo dục và đào tạo phù hợp. Ví dụ như chọn ngành đào tạo nào, ở khoa nào, trường đại học/ cao đẳng/ trường nghề nào?

  • Cần chuẩn bị gì cho các kỳ thi tuyển sinh? Làm thế nào để đăng ký tuyển sinh? Khi nào phải dự tuyển và làm sao để dự tuyển?

  • Thi cử, học hành không quên trau dồi những kỹ năng khác (ngoại ngữ, công nghệ, phát triển cá nhân, kiến thức ngành nghề, kiến thức xã hội, phát triển các mối quan hệ nghề nghiệp giá trị…)

Nếu bạn đã sẵn sàng tìm kiếm việc làm, hãy phát triển một chiến lược tìm kiếm việc làm. Xác định và tìm hiểu về các nhà tuyển dụng tiềm năng, viết sơ yếu lý lịch và thư xin việc, chuẩn bị phỏng vấn.


89 views0 comments

Recent Posts

See All

Comentarios


bottom of page