Đo lường hiệu quả PR luôn là một thử thách, một đề tài hấp dẫn với những người đang phụ trách công việc này. Những hiệu quả này luôn “dấp dính” với các yếu tố vô hình và dường như là rất khó kiểm đếm, ví dụ như danh tiếng của thương hiệu, hay nhận thức của công chúng. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu và thực hành PR đã dần hình thành trên thị trường một số chỉ số và cách tiếp cận giúp đánh giá mức độ thành công của các nỗ lực PR.
Dưới đây là một số ví dụ:
(1) Media Mentions - Chỉ số lần được “nhắc đến” trên truyền thông: Đây là một trong số các chỉ số đo đếm hiệu quả PR cơ bản. Nó chỉ số lần mà các kênh báo chí, kênh mạng xã hội, blog… gọi chung là các kênh có lượng truy cập lớn nhắc đến tên thương hiệu, tên công ty, tên sản phẩm… hay nhắc đến vấn đề mà bạn đang muốn truyền thông. Bạn có thể đo lường bằng các công cụ “Media Monitoring” mà thường xuyên quét bài mới trên các báo, blog, mạng xã hội và các kênh trực tuyến khác với các từ khóa và cụm từ bạn quan tâm và cần theo dõi.
(2) Media Coverage - Chỉ số về độ phủ truyền thông: Rộng hơn Media Mentions, ngoài số lần được đề cập đến trên các phương tiện truyền thông, chỉ số này cho thấy cả phạm vi tiếp cận của đề tài (sát hay không sát với điều bạn muốn quảng bá), tần suất đưa tin, giọng điệu và mức độ tích cực của việc đưa tin; có thể so với cả các đối thủ cạnh tranh.
(3) Message delivery: Cách mà thông điệp chính của bạn được đưa đến với công chúng trên cách kênh và mức độ công chúng hiểu được những thông điệp đó, liên kết được các thông điệp đó với các hành động được kêu gọi, hay các hành vi mua.
Share of voice/ Influence and thought leadership - Chỉ số so sánh mức độ phủ sóng truyền thông thương hiệu của bạn với đối thủ cạnh tranh. Chỉ số này giúp biết được “sức nặng”, mức độ ảnh hưởng của công ty bạn trong các chủ đề cụ thể đang được bàn luận sôi nổi trong ngành. Nó cũng thể hiện mức độ được tham gia, quyền được thể hiện của bên bạn với các “key player” trong câu chuyện lớn này. Và sức ảnh hưởng đó so với các đối thủ khác trong ngành thì ra sao? Bên nào đang có ảnh hưởng tốt hơn.
(4) Reputation and brand perception: Các số liệu chỉ ra mức độ nhận thức về thương hiệu, sự yêu thích và ủng hộ thương hiệu cũng như các chỉ số khác về danh tiếng như niềm tin, uy tín và tính xác thực của thương hiệu
(5) Social Media Engagement - Chỉ số gắn kết với khán giả trên các mạng xã hội: Trang Admin quản trị các mạng xã hội, phổ biến như Facebook, Instagram, Youtube, Tiktok, Linkedin… đều cung cấp các số liệu giúp đo lường hiệu quả giao tiếp, tiếp cận và gắn kết với những người theo dõi trang. Chúng ta có thể theo dõi các số liệu như lượt yêu thích, lượt chia sẻ, nhận xét và người theo dõi để hiểu xem là các nội dung mà các bạn cung cấp đang tác động như thế nào và gây hứng thú ra sao cho khán giả.
(6) Lưu lượng truy cập trang web: Nếu khi triển khai các chiến dịch/ hoạt động quảng bá chúng ta đưa website vào như một hoạt động kêu gọi hành động, kêu gọi tương tác của khán giả, chúng ta có thể phân tích dữ liệu truy cập của khách hàng trên trang web của mình để hiểu hơn về họ và hành vi của họ. Ví dụ các đột biến về lưu lượng truy cập xung quanh các hoạt động PR chính, chẳng hạn như ra mắt sản phẩm hoặc xuất hiện trên các phương tiện truyền thông lớn. Các chỉ số thường thấy như số lượt truy cập, số lượng người truy cập, thời gian lưu lại trên trang, tỉ lệ click tiếp theo luồng, tỉ lệ rời bỏ trang…
(7) Kết quả kinh doanh: Sự thành công của các hoạt động PR cũng có thể đo lường dựa theo tăng trưởng kết quả kinh doanh, chẳng hạn như tăng doanh thu, cải thiện khả năng giữ chân khách hàng hoặc nhận thức cao hơn về thương hiệu. Các chỉ số này có thể khó theo dõi hơn nhưng chúng cung cấp một bức tranh chính xác hơn về tác động thực sự của các nỗ lực PR.
Comments